Không biết từ bao giờ, bánh chưng, bánh giầy đã trở thành thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên mỗi khi Tết đến, thể hiện quan niệm về vũ trụ, nhân sinh của người xưa.
Tương truyền, Hùng Vương thứ 6 muốn nhường ngôi nhưng chưa biết chọn ai trong hai mươi người con trai bèn truyền cho các hoàng tử dâng lễ vật. Các hoàng tử đã cho người đi khắp mọi vùng quê để tìm về những sơn hào, hải vị về dâng vua. Lang Liêu mất ăn mất ngủ bao ngày đêm mà vẫn không thể nghĩ ra lễ vật dâng lên vua cha. Một đêm Lang Liêu được thần nhân báo mộng mách cho cách làm bánh. Bánh hình vuông được làm bằng gạo, gói bằng lá xanh, lại có nhân thịt ở trong. Bánh hình tròn được giã từ gạo nếp đã nấu chín. Đến ngày dâng lễ vật đôi cặp bánh khiêm nhường, giản dị nhưng lại được vua Hùng để ý nhiều nhất. Hùng Vương tuyên bố truyền ngôi cho Lang Liêu. Vua đặt tên cho bánh hình vuông là bánh chưng, bánh hình tròn là bánh dầy, rồi truyền dạy dân cách làm.
Chiếc bánh chưng bánh giầy gói ghém trong đó là cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, và là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi. Bên ngoài là chiếc lá dong gói bánh có sẵn từ thiên nhiên, bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu nấu ăn cội rễ của dân tộc: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn…
Bánh chưng, bánh giầy là hình ảnh của quê hương với mầu xanh ruộng đồng, sông núi, được làm ra từ những hạt "ngọc thực" quý nhất của thiên nhiên, sinh sôi nảy nở trên những triền đất phù sa đồng bằng dưới sức lao động của con người. Những sản vật giản dị, đậm đà hương vị không những ẩn chứa các giá trị văn hóa và tâm linh mà còn mang ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc.
Từ đó, mỗi khi Tết đến xuân về, trên mâm cỗ cúng tổ tiên, dân gian thường làm hai thứ bánh này để tạ ơn trời đất. Đây cũng là hai thứ bánh không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.
Bằng tất cả lòng thành kính hướng về cội nguồn, những chiếc bánh thảo thơm là lễ vật ý nghĩa thờ cúng các Vua Hùng, cũng gia tiên, cũng là lời nguyện cầu và cũng là niềm tin vào quốc thái dân an, mùa màng bội thu, ấm no, hạnh phúc. Vì chứa đựng nét đẹp văn hóa tâm linh cả về triết học lẫn thực tiễn nên bánh chưng, bánh giầy đã tồn tại suốt mấy nghìn năm và sẽ còn mãi mãi sau này.
Làng nghề giò chả, bánh chưng, bánh giầy Ước Lễ vốn từ lâu đã nổi tiếng là nơi làm ra những cái bánh chưng, bánh giầy ngon nhất Hà thành. Bánh chưng, bánh giầy Ước Lễ tinh tế trong từng công đoạn, là nét riêng biệt không thể nhầm lẫn với bất cứ làng nghề nào khác. Nó hình thành từ chính truyền thống lâu đời của một làng nghề cổ.
Trải qua thời gian, bánh chưng, bánh giầy làng Ước Lễ có mặt ở nhiều địa phương, từ Hà Nội cho đến Thành phố Hồ Chí Minh. Người Ước Lễ làm bánh quanh năm, không chỉ bán lẻ mà còn giao cho các cửa hàng, siêu thị, doanh nghiệp… Trong đó, thương hiệu giò chả, bánh chưng, bánh giầy Bà Bính là một hộ đã có truyền thống từ lâu đời. Mỗi dịp Tết, hàng tấn giò chả, bánh chưng, bánh giầy mang thương hiệu Bà Bính lại được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Bánh chưng, bánh giầy Ước Lễ thương hiệu Bà Bính ngày càng được thị trường tin tưởng và đón nhận bởi chất lượng luôn được đề cao, tất cả nguyên liệu đều tươi và sạch sẽ.